Ai phớ nào, Ai phớ đeeeee…..ê!!!!

Ai phớ đê!!! Câu rao bán phớ quen thuộc trong ký ức của bất kỳ ai đã từng ăn món chè giải khát này. Ấy vậy mà giờ đây dường như vắng bóng đâu đó.

Mùa hè, mùa của các loại chè giải khát, tào phớ cũng vậy. Nó là một trong những loại quà vặt mà mình rất thích. Mùi đậu tương, hoa nhài cùng vị man mác của nước đường , vậy mà làm siêu lòng biết bao nhiêu con người. Tào phớ trước kia thường hay được làm bằng thạch cao phi .Còn bây giờ, do nhu cầu đảm bảo sức khỏe mà thạch cao phi dần được thay thế bằng các loại nguyên liệu khác : như gelatin, đường nho (Glucono Delta Lactone). Tào phớ được làm bằng Gelatin thì có ưu điểm là làm rất dễ, ai cũng có thể làm được. Thế nhưng nó có nhược điểm đó là chỉ dùng được lạnh, đối với món tàu hũ nước đường nóng thì việc dùng Gelatin là bất khả thi. Mặt khác đối với tào phớ được làm bằng đường nho lại không thành vấn đề. Mọi người có thể dùng lạnh hay nóng tùy ý, và nó chỉ có một nhược điểm đó là : nếu là không cẩn thận thì tào phớ của bạn có thể bị chua 😀

Đường nho hiện nay được bán ở rất nhiều nơi. Tại các cửa hàng bán đồ làm bánh mọi người có thể dễ dàng mua được hoặc mua ở các cửa hàng online. Dưới đây là cách làm tào phớ bằng đường nho , hy vọng mọi người thành công 😀

1, Nguyên liệu:

– 100g đậu tương khô , nên dùng đậu Miên ăn sẽ béo hơn

– 200g đường hoa mai

– 900 ml nước

– Hoa nhài tươi hoặc khô .

– 1 thìa đường nho – Glucono Delta Lactone (mình dùng thìa sữa chua Vinamilk đong 1 thìa gạt ngang)

2, Cách làm

– Đậu tương rửa sạch sao cho không còn bọt nổi lên là được, đem ngâm từ 4 – 6h đối với trời nóng. Thỉnh thoảng thay nước để tránh làm đậu bị chua.

– Nếu có máy làm sữa đậu nành bạn chỉ việc cho đậu đã đãi vỏ vào máy cùng với nước để thu được sữa đậu nành. Tuy nhiên bộ lọc của máy thường không kỹ, các bạn nên lọc lại thêm 1 lần nữa để đảm bảo nước đậu không bị lẫn bã.

– Nếu không có máy các bạn có thể dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn đậu, xay ít một thôi nhé kẻo cháy máy đó mọi người 😀 . Rồi cho vào túi vải vắt thật kỹ.

– Chuẩn bị một nồi inox để đun sữa và một tô sứ, thủy tinh, hay lõi nồi cơm điện … nói chung là những vật giữ nhiệt tốt

– Đun sôi sữa đậu nành vừa thu được với lửa nhỏ đến khi sôi. Chú ý khi sôi sữa hay bị trào nên chỗ này mọi người để ý nhé. Trong lúc đun thì thường xuyên hớt bỏ bọt.

– Sữa sôi, đun thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp. Hòa đường nho với 20ml nước sôi để nguội, láng đều thành dụng cụ đựng. Đổ sữa đậu nành vào tô đựng đường nho. Hớt bỏ bọt. Nếu dùng lõi nồi cơm điện thì lúc này cho vào trong nồi cơm điện và ủ là được. Để yên 30 phút là được tào phớ.

– Chuẩn bị nước đường: Hòa tan đường với nước, đun sôi cho hoa nhài vào (nếu sử dụng hoa nhài khô) . Để nguội nước đường rồi cho thêm hoa nhài (nếu dùng hoa tươi) và để tủ lạnh ướp cho thật lạnh.

– Khi ăn , cho một lượt đá bào nhỏ ở dưới bát, dùng thìa mỏng hoặc nắp đò hộp hợt từng lớp mỏng tào phớ vào bát, rồi rót nước đường vào là đã được một bát tào phớ rồi 😀

– Ngoài thành phần chính là tào phớ ra thì có thế ăn kèm phớ với thạch sương sáo, trân châu …. và có thể thay nước đường bằng nước sữa đậu nành.
Tào phớ có thể dùng nóng hoặc lạnh.

3, Lưu ý và tips:

– Không nên ngâm đậu quá lâu và phải thường xuyên thay nước nếu không đâu sẽ bị chua

– Sữa đậu nành càng đặc thì tào phớ càng béo và càng có ít nước tiết ra khi làm phớ. Tuy nhiên nếu đặc quá thì thường khi ăn hay bị ngái.

– Có thể thêm lạc rang vào trong lúc xay đậu, thành phẩm sẽ rất béo và thơm hơn.

– Không cho quá nhiều hay quá ít đường nho.. Cho nhiều thì tào phớ bị chua, cho ít thì không thành được tào phớ.

– Không nên hòa đường nho trước, vì đường nho khi tiếp xúc với nước thì sẽ bị chua rất nhanh. Nên khi nào sữa sôi thì ta mới hòa đường nho. Khi đổ sữa thì không nên đổ ngược lại mà phải đổ sữa vào đường nho.

– Không dùng nước nóng để hòa đường nho , phớ sẽ bị chua

– Cơ chế làm đông của đường nho cần có nhiệt độ cao do đó bạn nên dùng ruột nồi cơm điện để đựng tào phớ. Hoặc các tô, bát thủy tinh, các dụng cụ giữ nhiệt

WP_20140608_004

14 thoughts on “Ai phớ nào, Ai phớ đeeeee…..ê!!!!

  1. mới đọc, tưởng Nhỏ gọi ăn phở, nhưng rõ ràng hổng phải.

    Mà Nhỏ ơi, món phớ này nhìn giống giống đậu hũ nước đường phải không? Tại tên “phớ” thì mới nghe lần đầu tiên á.

    • DQ là tài hủ nước đường mà ngoài Bắc gọi là tào phớ đó ……ủa mà hình như DQ cũng là dân Bắc mà sao hok biết món này vậy ta 🙂

    • Chị ơi, món này là táo phớ đó chị, giống tàu hũ nước đường trong nam nè chị. Cứ vào tầm hè, ở ngoài Hà Nội người ta hay bán rong tào phớ, Họ đựng tào phớ bằng thùng gỗ, họ dùng đòn gánh để gánh. Một bên gánh là thùng Phớ, một bên là bát, nước đường, thìa, và đá; tay thì xách xô nước. Vừa đi vừa ra: Ai phớ nào, phớ đê đó chị. Nhưng mà bây giờ thì có ít người bán như thế này lắm ạ. Lâu lắm rồi em không có gặp họ rao nữa 😦

      • chị thì nghe mấy ng` Tàu gọi món tàu hũ nước đường là Tào Phù Phá (hay phát âm đại khái vậy đó). Chứ không hề biết cái tên “tào phớ” này đó nha. Hỏi bố chị (sanh ngoài Bắc) thì bố cũng chịu, không biết luôn. Hỏi bố mẹ chồng chị (sanh ra và lớn lên ở Hà Thành) thì 2 ông bà cũng không biết cái tên “tào phớ” này luôn đó. hì hì hì …

        Giờ thì biết món này cũng là tàu hũ nước đuờng rồi. 🙂 🙂

        • Cũng một món mà nhiều tên gọi quá ha chị. Món này em cũng không biết có từ bao giờ nữa, chỉ nhớ cách đây độ hơn chục năm, lúc bé thì đã thấy bán rồi đó chị. Hồi đó muốn ăn mà không được ăn nhiều, nên thèm lắm ạ 😀

          • Chị hỏi những người lớn sống ở Hà Thành từ trước 1954 thì không ai biết món này có tên là tào phớ cả. Vẫn chỉ gọi là đậu hũ nước đường thôi à. 🙂 🙂

    • Haha … đúng là tiếng Việt ha chị, nếu đọc nhanh nghe cũng giống đó chị. Ngày xưa , cách đây lâu lắm rồi đó chị, ngoài HN cũng có phở gánh, họ cũng có rao như vày đó chị 😀

  2. Trang ơi, theo chân mấy chị được lạc qua nhà em, cho chị làm quen và học hỏi với nhé.
    Tào phở chị thấy có nhiều công thức dùng thạch cao, mà chị cũng làm nhiều lần mà không đông được, nhưng công thức của em không dùng loại này dùng đường nho, cho chị hỏi đường này có thể làm đông đặc đậu hả em, đương nho là gì vây?

    • Em chào chị. Rất vui khi được làm quen với chị 🙂 Welcome chị thường xuyên đến thăm blog của em nhé , mặc dù thời gian gần đây em bận nên bỏ bê blog nhiều quá 🙂
      Em không dùng thạch cao để làm thạch cao chị à, vì em nghe đâu đó là ăn thạch cao không có tốt nên em không dùng mà em sử dụng đường nho. Qua tìm hiểu thì em có thể trả lời câu hỏi của chị như sau ạ:

      Đường nho là gì?
      Đường Nho (Glucono delta-lactone) thường viết tắt GDL là một chất xúc tác đã được dùng rất phổ biến trong việc sản xuất mật ong, rượu, nước trái cây, vv.. vv.. Đường Nho GDL ở dạng bột trắng có tính trung hòa, nhưng khi hòa tan vào nước sẽ có tính acid vì thế đã được dùng như chất xúc tác để tạo độ kết tủa cho một số loại thực phẩm, trong đó có Tầu Hũ Nước Đường và Đậu . ( nguồn internet)
      Đưuòng nhờ hoạt động tốt ở nhiệt độ cao nên khi làm tào phớ thì hay đun nước đậu thật sôi rồi mới đổ vào bát đựng đường nho.

  3. Cảm ơn Em Trang nhiều nhé, chị sẽ ghé thăm em thường xuyên :-). Chị làm nhiều lần tào phở mà sao thất bại hoài :-(. Lần này Chị sẽ thử với công thức của em và báo kết quả em nha.

  4. Em ơi, em còn đó không? Chị hỏi thêm là lúc trán nước đường, sau đó đổ sửa vào tô rồi có đổ qua rồi đổ lại không hay chỉ đổ sữa qua nồi rồi đậy nắp mang ủ là được?

Gửi phản hồi cho Dã Quỳ Hủy trả lời